Video âm nhạc Anh không đòi quà

Mô tả và đón nhận

Một cảnh quay trong video âm nhạc "Anh không đòi quà", trong hình là Karik (trái), Amanda Baby (giữa) và Only C (phải). Đây là cảnh tạo nên trào lưu "cởi đồ trả quà" và bị chỉ trích vì lý do phản cảm.

Video "Anh không đòi quà" được Avatar Entertainment phát hành vào ngày 2 tháng 12 năm 2013, do Trần Việt Anh đạo diễn.[17][33] Ngoài ra, Hà Tùng Nguyên phụ trách phần đạo diễn hình ảnh và An Quốc phụ trách khâu sản xuất.[11] Ý tưởng "cởi đồ" thực chất là do Việt Anh đưa ra, và vị đạo diễn đã yêu cầu Only C và Karik đi tuyển một nhân vật nữ để thực hiện hóa ý tưởng "đòi quà" đó. Tuy nhiên, đôi song ca tự nhận thời đó không có đủ kinh phí để tuyển người mẫu chuyên nghiệp, và thiết nghĩ bạn bè sẽ không ai dám "cởi". Rốt cuộc, họ cũng đã mời được một người "đánh một cú liều" nhận vai là Amanda Baby.[8] Amanda Baby cho biết bản thân đã từng bị bạn trai cũ đòi quà và rất ân hận vì đã yêu người đó hai năm. Quá trình thực hiện "Anh không đòi quà" chỉ diễn ra trong vòng bốn tiếng, gồm ba lần tập luyện trước khi quay chính thức.[34] Nội dung của video kể về cô gái (Amanda Baby) vừa chia tay bạn trai đại gia và bị đòi quà. Cô vừa đi bộ vừa tức giận cởi bỏ tất cả những món đồ đắt tiền trên người đến khi còn mỗi áo lót và quần mỏng. Đi theo bên cạnh là hai chàng trai gồm Only C (mặc áo khoác xanh với áo thun trắng, quần dài và mang túi xách hông) và Karik (tóc nhuộm, mặc áo tay dài trắng hồng, quần đùi với ba lô đen sau lưng) đang muốn theo đuổi lấy cô gái. Ở cảnh cuối, cô gái chọn leo lên xe đạp của Karik, và Only C đành lặng nhìn cô gái rời đi.[17][11]

Tương tự như bản âm thanh, video âm nhạc của "Anh không đòi quà" nhanh chóng được nhiều người lan truyền trên mạng xã hội kèm theo bình luận và nhận xét. Nhà báo Mai Anh của VnExpress đã bày tỏ khen ngợi rằng video "đầu tư về phần hình ảnh và diễn xuất của các diễn viên khá ổn".[35] Cây viết M.L đến từ báo Dân Trí cảm thấy video "Anh không đòi quà" có nhiều điểm tương đồng với ca khúc "Ái Thượng Nhĩ Hảo Cô Nương"[lower-alpha 2] năm 2011 của Tôn Huy[lower-alpha 3] khi các cảnh quay cũng là "hình ảnh cô gái trẻ bước xuống từ siêu xe, tranh cãi với bạn trai rồi chia tay, sau đó cởi bỏ từng thứ trên người cho tới khi chỉ còn lại bộ đồ lót."[36] Chung quan điểm, chuyên tin Xã hội qua phân tích đánh giá xu hướng thì viết rằng video dường như không có gì mới mẻ vì ý tưởng đa phần dựa vào hiện tượng có thật, kịch bản tương đồng với Trung Quốc và phần "nhạc cũng có nghi vấn bắt chước của Hàn Quốc". Tuy nhiên, tờ báo vẫn khẳng định đôi song ca và đội ngũ đã "khéo sắp xếp, kết hợp để trở thành một clip vừa đủ độ hài hước, châm biếm, nóng bỏng và sôi động để kích thích khán giả" và gây ra "hiện tượng đáng chú ý vượt ra ngoài biên giới của âm nhạc."[32]

Ngày 24 tháng 3 năm 2014, hãng Avatar Entertainment phát hành video phiên bản 2 của "Anh không đòi quà", trong đó có sự góp mặt của Bà Tưng và Rain Ku.[37] Nội dung lần này không có cảnh quay lột quần áo, chỉ kể về một cô gái (Bà Tưng) bị người yêu đòi lại iPhone 5S[lower-alpha 4] sau khi chia tay. Trong tâm trạng bực bội, cô gái bỏ chiếc điện thoại vào máy xay sinh tố để nghiền nát, rồi đem trả lại trong sự sững sờ của bạn trai. Cả Karik (mặc áo thun tay dài trắng) lẫn Only C (mặc áo khoác sọc trắng đen với tai nghe ở cổ) đều góp mặt trong video.[37][38] Về hậu trường, đội ngũ làm video sử dụng điện thoại hàng thật và xay điện thoại iPhone 5S tổng cộng hai lần, lần đầu tiên là do "lỡ tay ấn nhầm nút xay khi chưa bấm máy quay" khiến cho đội ngũ phải trì hoãn nửa tháng để chuẩn bị đạo cụ lại từ đầu.[39] Về mặt đón nhận, An Nhàn đến từ báo Phụ nữ nhận xét rằng tuy nội dung "không đặc sắc bằng phiên bản trước" nhưng nhờ hiệu ứng từ phiên bản lột đồ trước đó và có sự góp mặt của nhân vật gây tranh cãi Bà Tưng nên sản phẩm đã thu hút nhiều người xem. Nhà báo khẳng định ý tưởng nghiền nát iPhone không phải là mới mẻ bởi một số khán giả đã quen thuộc với hình ảnh xay nát đồ điện tử trong chương trình quảng cáo máy xay sinh tố Will It Blend? của Blendtec tại Hoa Kỳ. An Nhàn còn dẫn thêm thông tin từ một số nguồn báo, "Anh không đòi quà" phiên bản kế tiếp được thực hiện nhằm quảng bá cho một nhà bán lẻ điện thoại và một phần mềm nhắn tin.[40]

Trào lưu "cởi đồ trả quà"

Đi kèm với màn ra mắt video âm nhạc cho ca khúc "Anh không đòi quà" thì kéo theo là hiện tượng trào lưu thực hiện lại cảnh quay "cởi đồ trả quà".[17][41] Nguyên nhân bắt nguồn từ "mối quan tâm, tâm tư, tình cảm, văn hoá, nhận thức" cùng với "sáng tạo" và muốn "thể hiện cái riêng của mình" của đa số người trẻ tuổi.[32] Nhiều thanh thiếu niên khắp Việt Nam đã thi đua tung các video clip "Anh không đòi quà" lên mạng. Các tỉnh thành xuất hiện trào lưu này bao gồm Nam Định, Nha Trang, Cần Thơ, Hà Nội, Vũng Tàu, Nghệ An, Gia Lai, Sa Pa, thậm chí ở Buôn Ma Thuột còn xuất hiện cả phiên bản bé gái "cởi đồ" theo trào lưu.[42][43][44] Hầu hết đều chứa cảnh tương tự với bản gốc là nữ nhân vật chính đi giữa đường phố, lần lượt cởi bỏ đồ đạc, quần áo, chỉ còn lại mỗi áo ngực và quần lót.[45] Nhà báo Bình Đà viết cho chuyên mục "Lao động" của Dân Trí đã gọi hiện tượng là một vụ mùa "bội thu" và cho rằng trước kia "còn trông chờ vào báo chí, giờ thì lại còn trên cả tiện: [Facebook], thậm chí, truyền hình, mà không khéo ra đường cũng có. Vì những gì [giới giải trí] dạy công chúng, đến nay đã bắt đầu 'bói quả'."[46] Karik trong một vlog đã thừa nhận anh cảm thấy "phấn khích" và nhiều người làm còn "đỉnh hơn" và "hài hước hơn" bản gốc, còn Only C thì cảm thấy đó là "giấc mơ" và "lạ lẫm" khi đó là lần đầu tiên anh chứng kiến mọi người hưởng ứng bài hát nhiệt tình.[8]

Nhiều người đã chỉ trích trào lưu bởi những hành động phản cảm cùng với các ý tưởng "nhí nhố và cách dàn dựng kệch cỡm". Báo điện tử Tiền Phong cho biết, trong khi parody tại nước ngoài vừa thịnh hành vừa sáng tạo để tránh rập khuôn thì giới trẻ tại Việt Nam đã thể hiện "những sản phẩm ăn liền và ít thể hiện chất xám đầu tư ý tưởng."[47] Thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến của trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là "căn bệnh trong giới trẻ tìm sự chú ý của người khác không qua tài năng thật sự".[42] Phó bí thư Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng đã tuyên bố đây là vấn đề "đáng báo động" và giới trẻ đã "chọn những cách không phù hợp để thể hiện mình."[48] Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương tuyên bố rằng trào lưu "Anh không đòi quà" đã gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội, "đi ngược lại với đạo đức, truyền thống văn hóa của con người Việt Nam. Đây là hiện tượng cần lên án và ngăn chặn."[49] Biên tập viên dẫn tin bên Xã hội cho biết, hiện tượng chính là "cơ hội vàng" để các nhà giáo dục "xây dựng các chương trình đào tạo mới trong tương lai".[32]

Ngày 13 tháng 12 năm 2013, một nhóm người tại Cần Thơ đã bị lập biên bản vì thực hiện quay video để phát tán lên mạng.[50] Ngày 17 và 18 tháng 12, hai nhóm thực hiện hành vi tương tự tại Phan Thiết đã bị xử phạt hành chính vì "vi phạm nếp sống văn minh nơi công cộng".[51] Mặc dù vậy, đa số các video trào lưu đều được quay ở các con đường vắng, khó xác định rõ là "hội họp" (nhiều người tập hợp để cùng làm việc gì đó) hay là "trình diễn hở hang" nên lúc bấy giờ không có quy định luật pháp Việt Nam cụ thể để xử phạt.[45] Đến năm 2014, bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được đẩy mạnh hơn và kiên quyết hơn đối với vấn đề phản cảm và trào lưu.[6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Anh không đòi quà https://tienphong.vn/nhung-trao-luu-an-theo-vu-chi... https://tienphong.vn/trao-luu-doi-qua-coi-do-di-qu... https://tienphong.vn/cuoi-nghieng-nga-voi-clip-che... https://tienphong.vn/hotgirl-coi-do-tra-qua-san-sa... https://tienphong.vn/ret-run-voi-clip-anh-khong-do... https://tienphong.vn/loat-phien-ban-anh-khong-doi-... https://tienphong.vn/trao-luu-clip-anh-khong-doi-q... https://tienphong.vn/co-gai-cover-anh-khong-doi-qu... https://tienphong.vn/cuoi-vo-bung-voi-phien-ban-an... https://tienphong.vn/cuoi-nga-nghieng-voi-clip-xua...